GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “TÌNH THẦY TRÒ” CHỦ ĐỀ “BIẾT ƠN THẦY CÔ”
Lượt xem:
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thư viện năm học 2020-2021. Sáng ngày 09/11/2020 nhà trường tổ chức giới thiệu cuốn sách “Tình thầy trò” hướng đến các hoạt động kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt nam (20/11/1982-20/11/2020) như một lời tri ân đến quý thầy, cô giáo.
Vài nét về Thư viện trường Hoàng Diệu.
Thư viện trường THCS Hoàng Diệu được thành lập tháng 9 năm 2010. Tổng số đầu sách trong thư viện hiện có là 1500 bản , được sự quan tâm sâu sắc của BGH nhà trường thì hàng năm thư viện được bổ sung 1 nguồn sách tham khảo và sách thiếu nhi khá phong phú về số lương và chất lượng để phục vụ cho việc giảng dạy của thầy cô giáo và học tập của các em học sinh. Thư viện trường được bố trí 1 phòng rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo ánh sáng, và chỗ ngồi đọc cho các em, Thư viện mở của 4 buổi / tuần phục vụ công tác bạn đọc. Đặc biệt thì cô thư viện rất vui vẻ và thân thiện nhiệt tình giúp các các em trong việc tìm và đọc các cuốn sách mà các em cần.
Hàng tuần thu hút một số lượng lớn các em về thư viện đọc sách, báo, phục vụ và bổ trợ cho việc học tập, ngoài ra còn là nơi giải trí cho các em ngoài những giờ học căng thẳng.
Trước khi đến với nội dung cuốn sách cô xin trao đổi với các em về vai trò của sách đối với con người .
Các em thân mến !
Một cuốn sách cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay. Đọc sách mang đến cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Đọc sách Lịch sử giúp ta sống lại với những cuộc kháng chiến hào hùng, để ta biết trân trọng và gìn giữ hòa bình hôm nay. Đọc sách địa lý giúp ta hiểu biết về các hiện tượng thời tiết như mưa, nắng, lũ lụt, thủy triều, hiệu ứng nhà kính,…., Đọc sách toán học, du lịch, kinh tế,….giúp ta mở mang tư duy….Mỗi cuốn sách hay đều mang những giá trị tích cực đến cho con người khi đọc nó. Và sách không chỉ cung cấp lượng tri thức khổng lồ mà khi đọc sách, tâm hồn chúng ta được bồi đắp những cảm xúc tốt đẹp. Đọc sách văn học để ta biết đồng cảm, sẻ chia, biết thương và xót xa trước số phận của những nhân vật, biết căm phẫn trước những bất công, ngang trái của xã hội cũ,…. Đọc Hạt giống tâm hồn, ta thấy lòng mình lắng lại, biết trân quý những điều bình dị, nhỏ bé trong cuộc sống, biết yêu thương cuộc đời dẫu còn nhiều những chông chênh, biết cảm ơn những tấm lòng vị tha, nhân ái, những vòng tay dẫu gian nan vẫn sẵn sàng nâng đỡ kẻ khốn khó hơn mình. Hãy chọn cho mình một cuốn sách hay để đọc, hãy đọc thật kỹ và nghiền ngẫm từng con chữ trên mỗi trang sách, bạn sẽ thấy được vô vàn điều tốt đẹp mà nó mang đến. Hãy yêu sách như yêu chính bản thân mình.
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Đôn-ki-xtôi đã có câu nói nổi tiếng: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Bác Hồ đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.” Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước.
Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các thế hệ học trò của mình, thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ. Để sau này, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Trong buổi sinh hoạt dưới cờ hôm nay cô xin trân trọng giớithiệu đến quý thầy cô và các bạn cuốn sách “Tình Thầy Trò” nằm trong tậpsách “ 500 câu chuyện đạo đức” gồm 8 cuốn : Tình thầy trò, tình mẫu tử, tình cha, tình nhân ái, tình yêu thương…của hai tác giả Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên đã được cô bổ sung về kho sách thư viện nhà trường trong năm học 2020 – 2021 này, cuốn sách được nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2013, cuốn sách nhỏ bé chỉ dày 95 trang, khổ sách 11,5×18,5cm nhưng chứa đựng biết bao cảm tình cảm thiêng liêng của tình thầy trò. Cuốn sách “Tình thầy trò” gồm 11 câu chuyện kể về tình cảm thầy trò trong môi trường học đường. Đọc sách ta sẽ cảm thấy bồi hồi xúc động với “ Tập lưu bút”, Hay “ Hối hận của em đã muộn màng”. Và đôi khi những “lời phê” trong câu chuyện “ Lời phê” trong bài kiểm tra của giáo viên cũng là một động lực để giúp học sinh học yếu môn văn trở thành một học sinh học giỏi môn văn . cái cảm xúc mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống,hay mỗi khi đến ngày 20/11 thì tôi lại nhớ đến cô giáo dạy toán năm xưa. Nỗi nhớ cháy bỏng đến mức tôi phải thốt lên thành tiếng “ Cô ơi ” trong mẫu chuyện “ Cô ơi ” và nữa để các em biết cách đọc sách đúng cách và mang lại hiệu quả cao nhất phục vụ cho công tác tự học, tự nghiên cứu ngoài những giờ lên lớp thì chúng ta không thể nào bỏ qua câu chuyện “ Cô thủ thư”, và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa. Trong mỗi câu chuyện đó các tác giả đã đưa ra những tình huống thú vị, để rồi cuối mỗi câu chuyện là một cách giải quyết hay, đúng, để tháo gỡ những tình huống. Sau mỗi câu chuyện là “Một chút suy tư” mà các tác giả đã đúc kết lại để lại cho chúng ta một bài học, một lời khuyên tốt để chúng ta học hỏi, áp dụng trong cuộc sống thực tế ở môi trường học đường.
Mời các em hãy tìm đọc cuốn sách để hiểu thêm tình cảm mà các thầy cô luôn dành cho các em như thế nào. Qua đó các em hãy biết trân trọng hơn quãng đời học sinh quý giá và hành động sao cho xứng đáng với tấm lòng và sự kỳ vọng của các thầy cô nhé.
Cuốn sách hiện đang có mặt tại thư viện nhà trường. Rất mong được các em đón đọc. Cô xin chào và tạm biệt các em hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thu
Nhân viên trư viện nhà trường